Nâng cao năng lực cạnh tranh
Chuyến tàu vận tải container quốc tế đầu tiên thuộc tuyến dịch vụ vận tải container Haiphong China Express (HCX) của hãng CNC trong Tập đoàn CMA CGM - đơn vị vận tải có năng lực hàng đầu nước Pháp và lớn thứ 3 thế giới vừa cập cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), nhân sự kiện khai trương tuyến vận tải container quốc tế đầu tiên đến khu vực Bắc miền Trung.
Việc CMA CGM quyết định mở tuyến dịch vụ vận tải container và chọn cảng Nghi Sơn là điểm cập bến cho những chuyến tàu container vận chuyển hàng hóa đi các nước trên thế giới, trước hết giúp Khu kinh tế Nghi Sơn và các vùng kinh tế tại Thanh Hóa cũng như các tỉnh trong khu vực trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như các địa phương lân cận trong việc tiết giảm chi phí vận tải, thời gian, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Từ đó, tạo sự lan tỏa cho các ngành công nghiệp được phát triển mạnh tại khu vực này, đồng thời khuyến khích nhiều tuyến dịch vụ vận tải quốc tế đến với Nghi Sơn, đưa cảng này thành trung tâm dịch vụ cảng biển đối với hàng container.
Cảng quốc tế Nghi Sơn được công nhận là cảng biển container nước sâu trên thế giới |
Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2017 với 3 cầu cảng. Đầu tháng 5/2019, thêm 1 cầu cảng được đưa vào khai thác, nâng quy mô cảng Nghi Sơn lên 4 cầu cảng với tổng chiều dài 947m, được trang bị 9 cẩu bờ đa năng cùng các phương tiện cơ giới hiện đại, có năng lực xếp dỡ 9 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo đó, cảng Nghi Sơn có đầy đủ công năng tiếp nhận các loại tàu chở hàng rời, hàng tổng hợp, tàu chở hàng lỏng và tàu container.
Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, với việc Tập đoàn CMA CGM quyết định chọn cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn là điểm để mở tuyến dịch vụ vận tải container đã phần nào khẳng định tiềm năng và lợi thế của tỉnh Thanh Hóa nói chung, Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng trong phát triển giao thương đường biển. Đây là bước khởi đầu hết sức quan trọng, ấn tượng, góp phần tiết giảm chi phí logistics, mà quan trọng hơn là giúp giảm tải cho hệ thống đường bộ, tạo thuận lợi cho các DN tại khu vực Thanh Hóa và các vùng lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ.
Để tận dụng được tiềm năng, lợi thế, những thuận lợi và để thực sự trở thành một cảng nước sâu phát triển mạnh mẽ trong tương lai, Nghi Sơn cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các giải pháp hiện đại hóa trong tổ chức sản xuất, giao nhận hàng hóa, phục vụ hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu với chất lượng cao. Cùng với đó là tổ chức dịch vụ logistic tốt và hiệu quả, góp phần giảm chi phí vận tải biển, qua đó giảm chi phí logistics cho DN. Thêm nữa, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng trở thành cảng hiện đại, tự động hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động, ông Thọ cho biết thêm.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Ông Thọ cũng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh Thanh Hóa thực hiện hỗ trợ tối đa cho Nghi Sơn, trên cơ sở đảm bảo sự phát triển hợp lý giữa các cảng biển trong toàn hệ thống theo định hướng trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Giao thông – Vận tải trong việc phát triển đồng bộ giữa các phương thức vận tải như đường sắt, đường bộ, đường thủy để khai thác hiệu quả tiềm năng của cảng biển container.
Về phía mình, với việc cập cảng Nghi Sơn hàng tuần, CNC sẽ cung cấp thêm giải pháp vận tải thay thế cho vận tải đường bộ tới cảng Hải Phòng, giúp cho các DN xuất nhập khẩu cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế, góp phần giảm lượng khí thải carbon. Đây cũng là một trong những cam kết chính của Tập đoàn CMA CGM là cung cấp các giải pháp kết nối vận chuyển một cách hiệu quả nhất, góp kết nối Việt Nam với thế giới.
Cùng với đó, CNC còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các tuyến hàng hải từ Thanh Hóa thông qua cảng biển Nghi Sơn. Hiện tại, CNC đang khai thác 28 tuyến dịch vụ tại Việt Nam qua các cảng TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Chu Lai, Quy Nhơn và Nghi Sơn.
Trước đó, cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (HICT) cũng đã đón thành công tàu có trọng tải lớn với sức chở 11.923 TEU, trọng tải 132.000 DWT trên tuyến dịch vụ CPI/SEA/AC5, kết nối trực tiếp miền Bắc Việt Nam với khu vực bờ Tây Hoa Kỳ mà không cần thông qua cảng trung chuyển nước ngoài. Tuyến dịch vụ mới này rút ngắn thời gian vận chuyển từ 25 ngày xuống còn 19 ngày so với phương án trung chuyển tại cảng nước ngoài như trước kia… Điều này giúp giảm thiểu chi phí logistics, cũng như giảm thiểu những hư hỏng hàng hóa khi phải trung chuyển qua nhiều cảng. Đây luôn là điều được các hãng tàu, các nhà xuất nhập khẩu, các nhà đầu tư, các công ty logistics mong đợi.
Cảng biển được biết đến là cửa ngõ quan trọng của hàng hóa xuất nhập khẩu và là đầu mối chuyển đổi các phương thức vận tải từ vận tải biển sang vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Do đó, hệ thống cảng biển và các dịch vụ logistics gắn với khai thác cảng biển luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Việc có nhiều nhà khai thác cảng, các hãng tàu lớn của thế giới đến tham gia khai thác cảng biển tại Thanh Hóa, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… cho thấy, phát triển cảng biển ở nước ta hiện nay đang đi đúng hướng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Đình Nghi