Thị trường ô tô tháng 01/2017 | |
Thị trường ô tô tháng 12/2016 |
Tính đến hết tháng 2/2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 13% trong khi xe nhập khẩu giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường Việt Nam trong tháng 2/2017 đạt hơn 17.600 xe, bao gồm khoảng 10.000 xe du lịch, hơn 6.300 xe thương mại và gần 1.250 xe chuyên dụng. Trong đó, doanh số bán hàng xe thương mại tăng 24% và xe chuyên dụng tăng 220% trong khi xe du lịch giảm so với tháng trước.
Nhiều hãng xe có động thái giảm giá đáng kể |
Như vậy, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 2/2017 đạt gần 36.800 xe, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số bán hàng hai tháng đầu năm 2017 ô tô du lịch tăng 21%, xe thương mại giảm 11% và xe chuyên dụng tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 2/2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 13% trong khi xe nhập khẩu giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫn đầu doanh số bán hàng vẫn là Thaco với 14.200 xe, chiếm gần 39% thị phần, Toyota đứng thứ hai với doanh số bán hàng hai tháng đầu năm gần 9.000 chiếc, chiếm hơn 24% thị phần. Đứng thứ ba là sự tăng tốc mạnh mẽ của GM Việt Nam với hơn 1.800 xe, chiếm 5%; đẩy Ford xuống vị trí thứ tư; hãng Honda xếp thứ năm.
Theo Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2017, thị trường ô tô Việt Nam ước tính đã bỏ ra 306 triệu USD để nhập khẩu 16.000 xe, tăng 41,5% về lượng và 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dù vẫn tiếp đà giảm sút so với tháng trước nhưng doanh số bán ra của tháng 2 cũng tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tâm lý của nhiều người có nhu cầu mua xe là mua ngay tại thời điểm này do nhiều hãng xe đang có sự điều chỉnh giảm giá xe đáng kể.
Hiện nay, tại thị trường Việt Nam đã có tới 7 thương hiệu thực hiện việc điều chỉnh giảm giá xe ô tô. Trong đó, các dòng xe được điều chỉnh không chỉ là xe nhập khẩu mà trong đó có cả các mẫu xe được lắp ráp trong nước.
Cụ thể, hãng Honda đã điều chỉnh giảm giá 80 triệu đồng cho Accord (được nhập khẩu từ Thái Lan). Toyota công bố mức giảm giá cho Yaris với mức giảm lần lượt 47 triệu đồng và 44 triệu đồng cho 2 phiên bản G và E. Đặc biệt, giảm khá nhiều là Land Cruiser Prado TX-L khi giá bán từ tháng 2 của mẫu xe nhập khẩu này là 2,167 tỷ đồng, giảm 164 triệu đồng; Land Cruiser VX có giá bán 3,65 tỷ đồng, giảm 70 triệu đồng.
Ngoài 2 mẫu xe này, loạt xe sang của thương hiệu Lexus (do Toyota Việt Nam nhập khẩu và phân phối) cũng đồng loạt giảm. Theo đó, ngoại trừ Lexus ES250 và GS200t vẫn giữ nguyên mức giá thì hầu hết giá bán của các mẫu xe thương hiệu Lexus đều giảm với mức giảm cao nhất lên tới hơn 200 triệu đồng.
Sự kiện thương hiệu xe lớn nhất Việt Nam Toyota điều chỉnh giá cũng khiến một số nhà sản xuất khác rục rịch giảm giá. Nissan cũng giảm giá thêm 35 triệu đồng cho phiên bản XL của sedan Nissan Sunny từ giữa tháng 2 để có thể cạnh tranh với các đối thủ khác dù đây là mẫu xe được Nissan lắp ráp trong nước.
Thaco cũng có điều chỉnh giá bán đối với cả 3 thương hiệu xe do đơn vị này phân phối là Kia, Mazda và Peugeot với nhiều mẫu xe được giảm giá mạnh. Có tới 30/32 mẫu xe Kia được điều chỉnh giảm giá bán lẻ.
Trong đó, mức giảm giá nhiều nhất của thương hiệu Kia thuộc về Sedona với mức giảm lên tới 95 triệu đồng cho các phiên bản 3.3L. Tiếp đến là Kia Sorento và Optima với mức giảm cao nhất tới 50 triệu đồng. Kia Cerato cũng có mức giảm khá sâu từ tháng 2 với giá bán từ 20 - 42 triệu đồng. Với mức giảm này, phiên bản rẻ nhất Kia Cerato 1.6MT có mức giá chỉ 584 triệu đồng.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, việc điều chỉnh giảm giá ngay những ngày đầu năm là tín hiệu vui cho thị trường và người tiêu dùng có thêm rất nhiều lựa chọn các mẫu xe yêu thích với chi phí khá hợp lý. Tuy nhiên, theo lộ trình đến tháng 1/2018 với mức thuế nhập khẩu có nhiều biến động thì việc tiêu dùng vẫn cố gắng chờ đợi cũng không nằm ngoài dự đoán. Mua hay không mua xe tại thời điểm này đều do khách hàng quyết định.
Khánh Duy