TS. Phạm Thái Lai, Tổng giám đốc Siemens Việt Nam
Người đứng đầu Siemens Việt Nam đánh giá, việc hợp tác giữa Siemens và Vingroup sẽ giúp Vinfast đẩy nhanh tốc độ phát triển ôtô, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường với chất lượng cao.
Ông nói: Thực tế, hai bên đã hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong 10 năm qua. Biên bản ghi nhớ này được ký kết nhằm đẩy mạnh hợp tác về công nghệ giữa hai tập đoàn trong nhiều lĩnh vực, trước tiên là ứng dụng các giải pháp công nghệ tiến tiến cho các dự án ở các lĩnh vực: sản xuất ôtô, phát triển các tòa nhà và nhà ở, phát triển bệnh viện của hệ thống y tế Vinmec.
Nhưng người tiêu dùng sẽ được lợi gì từ sự hợp tác này, đặc biệt là trong sản xuất ôtô vốn đòi hỏi công nghệ cao, theo ông?
Hiện Siemens là một trong các đối tác quốc tế của dự án sản xuất ôtô Vinfast. Hai bên sẽ hợp tác về hệ thống quản lý và vận hành nhà máy hiện đại theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0, hay nói ngắn gọn, nhà máy Vinfast sẽ vận hành theo tiêu chuẩn công nghiệp 4.0.
Với 170 năm kinh nghiệm, hoạt động trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ của Siemens và năng lực thực sự của Vingroup, tôi tin tưởng chắc chắn vào thành công của các dự án hợp tác sắp tới.
Ông có thể tiết lộ cụ thể hơn về sự hợp tác với Vingroup trong dự án Vinfast?
Có hai nhóm cấu thành chính mà Siemens sẽ đồng hành cùng Vingroup trong dự án Vinfast.
Thứ nhất, trong việc xây dựng khối văn phòng nhà máy và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Thứ hai, đối với nhà máy sản xuất ôtô, Siemens sẽ cùng Vingroup xây dựng mô hình nhà máy số hiện đại của Vinfast theo mô hình mà các nhà máy ôtô nổi tiếng trên thế giới như Mercedes, BMW, Maserati, Ford, Volkswagens... đã và đang áp dụng.
Cụ thể, nhà máy Vinfast sẽ được trang bị các công nghệ mới nhất có mức độ tự động hóa cao, các hệ phần mềm ưu việt nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại có khả năng quản trị và tích hợp toàn diện xuyên suốt chuỗi giá trị; xuất phát từ khâu lên ý tưởng thiết kế, mô phỏng và thử nghiệm sản phẩm đến lập kế hoạch sản xuất, thiết kế dây chuyền sản xuất, điều hành sản xuất và cuối cùng là quản trị hậu cần và hậu mãi.
Toàn bộ thông tin về dòng đời sản phẩm được lưu trữ và phân tích phục vụ cho việc định hướng, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, khắc phục những hạn chế của quá khứ.
Với khả năng của nhà máy số có thể tạo ra bản sinh đôi số (digital twin) trong thế giới ảo tồn tại song song với nhà máy thực, giúp Vinfast đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phát triển sản phẩm, tăng cường độ linh hoạt của hệ thống, rút ngắn đáng kể thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Thời gian “ra lò” ôtô thương hiệu Việt được dự kiến sẽ ngắn kỷ lục. Siemens đóng góp cụ thể gì ở khâu rút ngắn thời gian này?
Như đã đề cập ở trên, với việc xây dựng nhà máy số, nhà máy Vinfast sẽ có thể tích hợp toàn diện các khâu trong chuỗi giá trị, từ ý tưởng sản phẩm cho đến hiện thực sản xuất và quản trị dịch vụ trên nền bản sinh đôi số.
Qua đó, có thể giúp rút ngắn hơn 40% thời gian phát triển sản phẩm, gia tăng sản lượng, hạn chế lỗi phát sinh từ hệ thống và đồng thời đảm bảo về chất lượng.
Ví dụ cụ thể như đối với khâu sản xuất và khâu thiết kế, việc liên kết giữa hai công đoạn này là vô cùng quan trọng, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển sản phẩm và giảm thiểu chi phí thiết kế. Bằng việc mô phỏng trước quá trình sản xuất trên dây chuyền ảo, các nhà phát triển sản phẩm và kỹ sư nhà máy có thể kiểm tra, tối ưu các bản thiết kế và chương trình điều khiển cho phù hợp với các yêu cầu sản xuất, qua đó giúp rút ngắn đáng kể thời gian phát triển sản phẩm, đồng thời giảm thiểu rủi ro khi thiết lập dây chuyền sản xuất cho sản phẩm mới.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý năng lượng của Siemens cũng có thể giúp gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trên cả dây chuyền lên đến 40%.
VnEconomy