Bộ Công Thương chính thức báo cáo về Thông tư 20 | |
Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm cả về lượng và giá trị |
Từ lâu chiếc xe máy Dream II (Giấc mơ II) đã trở thành một sản phẩm quen thuộc của người dân trong khu vực Đông Nam Á nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. Có những thời điểm giá trị của nó bằng cả một căn hộ, nhưng vẫn có rất nhiều người muốn sở hữu bằng được.
Lý do rất giản đơn bởi chiếc xe hoạt động bền bỉ, mẫu mã đẹp và khi cần có thể chuyển nhượng dễ dàng. Không chỉ dừng lại ở đó, câu chuyện còn đang tiếp tục với những chiếc ô tô.
Ô tô Thái Lan chiếm lĩnh thị trường bằng chất lượng và thương hiệu |
Theo Tổng cục Hải quan, tổng lượng ô tô được nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm là hơn 29.000 chiếc, nhưng cứ 3 chiếc trong số này thì 1 chiếc có nguồn gốc xuất xứ từ đất nước Chùa Vàng. Với số lượng như vậy, Thái Lan đã vượt qua Hàn Quốc và Trung Quốc để trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất sang Việt Nam. Đáng lưu ý, khi kết thúc năm 2015, quốc gia này chỉ đứng thứ 4, sau cả Ấn Độ.
Và câu chuyện được đề cập nhiều nhất chính là lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ôtô CBU từ các nước khu vực Đông Nam Á tại Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô từ các nước thuộc khối ASEAN sẽ giảm về 0%. Như vậy, nhiều loại thuế và lệ phí khác được tính sau sắc thuế này qua đó cũng được hưởng lợi do chỉ phải tính trên giá CIF, từ đó giá bán lẻ của các loại ôtô xuất xứ ASEAN sẽ thấp hơn đáng kể so với hiện nay.
Đây là chính sách chung được dành cho cả khối ASEAN. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á hiện nay, ôtô sản xuất tại Việt Nam chỉ phải cạnh tranh với ôtô xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia, bởi đây là 2 quốc gia tập trung nhiều nhất các nhà máy sản xuất của các tập đoàn ôtô lớn trên thế giới như Ford, Toyota hay Honda…
Bên cạnh đó, với xe xuất xứ Thái Lan thì khoảng cách địa lý là yếu tố vô cùng thuận lợi. Đối với các DN thì đây chính là một lợi thế không hề nhỏ trong bài toán chi phí kho vận.
Thêm nữa, việc nhập khẩu xe từ một nước láng giềng như Thái Lan cũng dễ dàng hơn với các DN trong việc lên kế hoạch hay thay đổi kế hoạch sản phẩm, kinh doanh nhằm thích ứng với những biến động trên thị trường hay điều chỉnh chính sách.
Rõ ràng những lợi thế mà ô tô xuất xứ từ Thái Lan đang có là rất lớn trong cuộc cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.
Dự đoán đến năm 2017, lượng ô tô có nguồn gốc Thái Lan vào Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn. Nguyên nhân là do nền công nghiệp lắp ráp của nước này phát triển rất mạnh, đồng thời giá cả lại rất hợp lý. Và đây chính là một thách thức lớn cho các nhà sản xuất và lắp ráp xe trong nước.
Đức Hiền