Thanh toán điện tử, cần xây dựng lại cây xăng

09:13 | 25/11/2019

Đã gần một tháng ví điện tử MoMo triển khai thanh toán quyét mã QR ở hệ thống cây xăng PVOIL và COMECO, nhưng chưa tạo ra tiện tích cho người tiêu dùng, do đổ xăng một nơi trả tiền một nẻo.

Mua xăng dầu thanh toán bằng mã phản hồi nhanh MoMo
Thúc đẩy thanh toán điện tử: Cần người tiêu dùng mạnh dạn trải nghiệm
thanh toan dien tu can xay dung lai cay xang
Chờ quét mã QR MoMo trả tiền trước ra bơm xăng sau ở cây xăng Lý Thái Tổ, Quận 10, TP.HCM

Do nằm cửa ngõ của tuyến từ Thủ Đức, Bình Dương đổ vào Trung tâm thành phố nên cây xăng COMECO (ngã tư Bạch Đằng – Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đầu giờ sáng rất đông người chờ đổ xăng. Mặc dù, băng-rôn nhận diện hình thức quét mã QR MoMo không cần dùng tiền mặt trả tiền đổ xăng giăng khắp nơi, nhưng người tiêu dùng vẫn chủ yếu chi trả tiền mặt.

Một nhân viên cây xăng tại đây nói với người tiêu dùng mỗi khi vào đổ xăng là phải đi vào phía sau các trụ bơm xăng mới được thanh toán quét mã QR, sau đó mang mã tiền đã thanh toán hiển thị trên điện thoại di động ra nhân viên bơm xăng sau. Trong khi người tiêu dùng đi xe gắn máy thường có thói quen chuẩn bị sẵn 50.000 đồng hay 100.000 đồng nói nhân viên bơm xăng đưa tiền mặt là xong một giao dịch.

Nguyên nhân do nguyên tắc đảm bảo phòng chống cháy nổ yêu cầu phải đặt các thiết bị điện tử như điện thoại phải cách 2m so với vòi đang bơm xăng dầu. Theo đó, các chủ cây xăng không cho người tiêu dùng đứng cạnh các trụ bơm xăng quét mã thanh toán tiền đổ xăng qua điện thoại. Điều này, dẫn đến các cây xăng hiện nay đều đổ xăng một nơi trả tiền một nẻo.

Thực tế, từ nhiều năm qua các cây xăng dầu trên cả nước hiện nay đều được xây dựng và thiết kế theo hướng tạo luận lợi cho các lái xe trong việc thanh toán bằng tiền mặt khi chỉ cần dừng chân đổ xăng dầu thuận là chi trả tiền mặt được ngay. Trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thanh toán di động không dùng tiền mặt đang làm thay đổi rất nhiều loại hình kinh doanh trong xã hội.

Trong đó, lãnh đạo các công ty phân phối xăng dầu đang muốn áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thu tiền không phải tiền mặt nhằm minh bạch hóa các quan hệ kinh tế trong xã hội. Nhưng các các lãnh đạo công ty phân phối xăng dầu cũng cho rằng phải có một thời gian nhất định để thay đổi thiết kế tại các cây xăng, không thể đập bỏ toàn bộ các thiết kế cây xăng trước đây để đáp ứng cho thanh toán di động trong một sớm một chiều.

Một số cây xăng dầu hiện đã thí điểm một hoặc hai trụ bơm xăng riêng bên cạnh các trụ bơm xăng dầu hiện hữu để phục vụ khách thanh toán bằng các phương tiện quét mã QR, thẻ ngân hàng, POS. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên Thời báo Ngân hàng, những cây xăng xây dựng mô hình trạm bơm xăng thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng được quy cách đảm bảo an toàn cháy nổ chủ yếu thu hút người đổ xăng là những hãng vận tải và người lái xe ô tô.

Thông thường, những xe ô tô phải lùi xe gọn vào một điểm cho nhân viên bơm xăng, sau đó tài xế bước ra khỏi xe vào phía trong quét mã QR hoặc quẹt thẻ. Còn với người đi xe gắn máy, nếu cũng làm những động tác như trên mới thanh toán được sẽ bất tiện hơn nhiều so với hình thức “cầm sẵn tiền mặt đưa cho nhân viên bơm xăng”.

Ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, hệ thống công nghệ PVOIL Easy của công ty thanh toán áp dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt từ tháng 2/2018 dành cho khách hàng doanh nghiệp mua xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu qua quét mã QR.

Hiện công ty đã chủ động hợp tác với các hệ sinh thái kinh doanh, các ứng dụng thanh toán điện tử, nhằm mang lại tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt mở rộng ra những cá nhân khi mua xăng dầu. Ngoài ra, công ty đã liên kết với 16 ngân hàng và một công ty trung gian thanh toán, sẵn sàng đáp ứng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt cho 600 cây xăng dầu trên toàn quốc.

Thế nhưng, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt của hai hệ thống cửa hàng bán lẻ của công ty, hiện nay mỗi tháng mới chỉ có khoảng 5.000 m3 xăng dầu bán ra, phần còn lại 65.000 m3 xăng dầu hàng tháng công ty này bán ra vẫn thu bằng tiền mặt.

Lãnh đạo PVOIL cũng thừa nhận, việc phối hợp với các đơn vị trung gian thanh toán cho phép người đổ xăng quét mã QR thanh toán tiền ở các cây xăng cũng nhằm đa dạng hóa các lợi ích từ dịch vụ tại cây xăng cho người tiêu dùng. Đồng thời, công ty cũng đang trong tranh thủ nắm lấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển sôi động, đặc biệt là các hình thức thanh toán trên thiết bị do động.

Nói về sự bất tiện khi quét mã QR, trong thanh toán tiền xăng hiện nay tại các cây xăng dầu, ông Phạm Thanh Đức, Tổng giám đốc Ví điện tử MoMo cho biết, nhân viên công ty sẽ quan sát ở những cây xăng mà ví điện tử MoMo hợp tác thanh toán di động để nắm bắt hành vi tiêu dùng để có những cải tiến thuận tiện hơn cho người đổ xăng mà không cần trả tiền mặt. “Nhưng tôi tin thanh toán di động không dùng tiền mặt khi đổ xăng dầu vẫn là một thao tác tiện ích, mô hình này đã thực hiện rất thành công ở Trung Quốc”, ông Đức nói thêm.

Một chuyên gia thanh toán cho rằng, các công ty bán lẻ xăng dầu cần xây dựng những cây xăng thanh toán không tiền mặt riêng, để người tiêu dùng sử dụng các công cụ quét mã QR hay thẻ ngân hàng. Không nên thực hiện song song hai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và dùng tiền mặt, sẽ khó tạo cho người dân bỏ thói quen dùng tiền mặt khi mua sắm hàng thiết yếu... Xe máy ở Việt Nam hiện nay vẫn đang là phương tiện chủ yếu, nhất là những giờ cao điểm các cây xăng thường đông nghẹt người vào đổ xăng, nếu hình thức quét mã QR hay thẻ ngân hàng không tạo ra tiện ích sẽ còn nhiều bất tiện hơn so với thanh toán tiền mua xăng dầu bằng tiền mặt.

Một chuyên gia thanh toán cho rằng, các công ty bán lẻ xăng dầu cần xây dựng những cây xăng thanh toán không tiền mặt riêng, để người tiêu dùng sử dụng các công cụ quét mã QR hay thẻ ngân hàng. Không nên thực hiện song song hai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và dùng tiền mặt, sẽ khó tạo cho người dân bỏ thói quen dùng tiền mặt khi mua sắm hàng thiết yếu...

Đình Hải

Tin đọc nhiều