Thâm nhập thị trường bằng nhiều lợi thế | |
Bộ Công Thương chính thức báo cáo về Thông tư 20 |
Đại diện CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, công ty đã lên kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất xe tải và lắp ráp xe ô tô Mazda hoàn toàn mới, công suất lên đến 100.000 xe/năm, đồng thời thay đổi toàn diện về công nghệ và thiết kế đối với dòng xe buýt, chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018, khi thuế suất nhập khẩu ô tô nội khối về 0%.
Theo Thaco, sở dĩ DN tập trung vào chiến lược này là bởi trước làn sóng hội nhập, xóa bỏ khoảng cách hàng rào thuế quan, nếu DN sản xuất, lắp ráp trong nước không nhanh chóng đưa ra chiến lược kịp thời, phù hợp sẽ khó mà chống đỡ nổi. Với kết quả và doanh số liên tục tăng trong thời gian qua, cùng với sự chuẩn bị kỹ càng, DN này tin tưởng vào mục tiêu bán hàng đưa ra vào năm 2018 với doanh thu hơn 95.000 tỷ đồng sẽ đạt được.
Hiện nay tỷ lệ sử dụng và sở hữu xe ô tô trên đầu người tại Việt Nam còn thấp trong khu vực |
Tuy nhiên, không phải DN sản xuất, lắp ráp ô tô nào trong nước cũng tự tin với chiến lược bám trụ thị trường và gia tăng doanh số liên tục như Thaco những năm qua. Bởi theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN, thuế nhập khẩu ôtô từ khu vực đã giảm 50% về 40% và bước sang năm 2017 giảm về 30%, tiếp tục đến năm 2018 chỉ còn 0%.
Ngoài ra, các hiệp định khác như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc… cũng đều cam kết xoá bỏ thuế quan đối với ôtô, lộ trình 10 - 15 năm. Các quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc đang trực tiếp được hưởng lợi nhờ thuế nhập khẩu bắt đầu giảm.
Như vậy, khi hàng rào thuế quan không còn là trở lực, việc nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc sẽ trở nên thuận tiện, dễ dàng, giá cả hợp lý hơn. Đây có thể được coi là nguyên nhân chính khiến cho các nhà sản xuất ô tô trong nước “đau đầu” tìm cách ứng phó, cũng như một số DN FDI sản xuất lắp ráp ô tô như Toyota (Nhật Bản), Ford (Mỹ)... còn đang bỏ ngỏ kế hoạch liệu có rời Việt Nam trong thời gian tới khi thuế suất nhập khẩu xuống còn 0%.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã ồ ạt xuất xe vào Việt Nam do đây là những quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển và hưởng lợi từ việc thuế suất giảm.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính riêng mặt hàng ô tô, lượng nhập khẩu trong tháng 7/2016 là 10,8 nghìn chiếc, tăng mạnh 25,1%. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7/2015, lượng xe ô tô nguyên chiếc cả nước nhập về đạt hơn 60 nghìn chiếc.
Trong đó, loại xe 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu là 25,5 nghìn chiếc, tăng 16,6%, xe tải là 26,2 nghìn chiếc, tăng 7%, loại xe trên 9 chỗ ngồi nhập 650 chiếc. Các thị trường chính cung cấp mặt hàng ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam dẫn đầu là Thái Lan, tiếp theo là Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản…
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, hiện nay tỷ lệ sử dụng và sở hữu xe ô tô trên đầu người tại Việt Nam còn thấp trong khu vực, đây là dư địa lớn để các quốc gia trong khu vực lên kế hoạch xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường.
Mặc dù chiến lược phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam đã được hoạch định từ khá sớm, nhằm chuẩn bị trước cho quá trình hội nhập, nhưng đến nay tỷ lệ nội địa hóa vẫn còn rất thấp, thậm chí đến hơn 80% linh kiện, sản phẩm phụ trợ phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô vẫn đang phải nhập khẩu từ nhiều nước khác.
Chính vì vậy, theo tính toán nếu từ nay đến năm 2025, nền công nghiệp ô tô trong nước không sớm hoàn thành mục tiêu đề ra thì tiếp sau đó, hàng năm Việt Nam có thể sẽ phải bỏ cả hàng chục tỷ USD để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đáp ứng cho nhu cầu của người dân.
Điều này kéo theo hệ lụy khiến cho cán cân thương mại của đất nước sẽ bị thâm hụt rất lớn và chắc chắn khi đó thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng này sẽ rơi vào tay các nhà nhập khẩu và phân phối của nước ngoài chứ không dễ gì thuộc về nhà sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tuyết Anh