Sẽ giảm 10-20% phí đường bộ đối với một số loại phương tiện | |
Hạn chế phương tiện cá nhân: Cần bắt đầu từ quy hoạch | |
Không bắt buộc chủ phương tiện phải thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu |
Hà Nội hiện đang là một trong những điểm đáng báo động về thực trạng ô nhiễm không khí với các chỉ số về không khí luôn chạm ngưỡng kém an toàn và nguy hiểm. Có thể nói những thay đổi về phát triển hạ tầng giao thông, kéo theo nó là sự gia tăng về dân số và lượng xe lưu thông cũng như các khu công nghiệp mới nổi lên đã phần nào tác động đến sự ô nhiễm này.
Xe máy vẫn là một loại phương tiện chủ yếu và tài sản quan trọng của đa số người dân |
2,5/6 triệu xe máy hết hạn đang lưu thông!
Mới đây, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các bộ, ngành về thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, cấp nước, xử lý rác thải, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay: “Từ thông tin 10 trạm quan trắc đã đi vào hoạt động hơn 2 tháng qua của Thủ đô, có thể nói nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nay nặng nề nhất là nguồn khí xả thải của xe máy và ô tô”.
“Hiện nay, thống kê có 2,5/6 triệu xe máy quá thời hạn sử dụng. Vấn đề này thành phố đang cố gắng xử lý và đến kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 6/2017 dự kiến sẽ trình chương trình liên quan đến hạn chế xe máy, sau đó sẽ trình Chính phủ. Tinh thần đề xuất sẽ theo hướng thành phố bỏ ra khoản tiền hỗ trợ và có biện pháp thu hồi các xe máy, ô tô đã quá hạn sử dụng” - ông Chung nói.
Không phải bỗng dưng xe máy trở thành “tên tội đồ” đang ngày ngày đe dọa tới môi trường Thủ đô. Chính phủ cũng quy định (Nghị định 16/2015/NĐ-CP) từ ngày 1/1/2018 sẽ thu hồi, thải bỏ ô tô, xe máy hết thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có quy định về niên hạn sử dụng xe ôtô, trong khi đối với xe máy vẫn chưa có.
Trước đó, vào hồi tháng 8/2016, cũng đã từng rộ lên thông tin nhiều chuyên gia, nhà khoa học đề xuất quy định niên hạn sử dụng xe máy. Thông tin này đã làm dấy lên những quan điểm trái chiều. Một mặt đồng tình với việc thu hồi xe đã hết niên hạn sử dụng, nhưng một mặt lại đặt ra nghi ngại: Thu hồi đâu chỉ đơn thuần nói là làm, bộ phận nào sẽ đứng ra thu hồi, để ở đâu rồi xử lý ra sao với cả triệu chiếc xe máy đã hết “đát”?
Cần cân nhắc kỹ và phải có lộ trình
Dẫu biết xe máy và nhiều phương tiện giao thông đang vận hành chính là một phần tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, không thể nói là làm ngay được mà cần có lộ trình và quan trọng hơn hết là lắng nghe ý dân bởi xe máy chính là phương tiện sở hữu của người dân, là phương tiện đi lại, kiếm sống của họ.
Bên cạnh đó, lấy cơ sở nào để đưa ra quy định niên hạn cho xe máy?
Mỗi chiếc xe tùy vào thời gian lưu thông, sử dụng, cung đường di chuyển và cả chế độ chăm sóc, bảo dưỡng của người dùng mà có độ bền, kém khác nhau. Có thể chiếc xe này đã mua được 10 năm nhưng do người dùng ít sử dụng, hoặc bảo dưỡng tốt nên đến nay vẫn đảm bảo chất lượng. Trong khi có những chiếc xe khác dù mới chỉ mua 5 năm nhưng do đi xa nhiều, đi những con đường xấu mà đã “xuống cấp”. Rồi chất lượng xe còn phụ thuộc nhiều vào hãng, thương hiệu xe...
Anh Lê Thủy (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Công việc của tôi phải đi làm xa nhà gần 20 km mỗi ngày, chiếc xe tôi mới mua được 2 năm nhưng do phải đi lại nhiều nên hiệu quả hoạt động của máy móc đã kém đi. Nhưng không thể vì lý do xe tôi chạy lọc xọc, máy kêu to hay ra khói mà đòi thu hồi chiếc xe ấy được. Vì có chiếc xe nào mà 2 năm đã hết niên hạn sử dụng?”
Cùng quan điểm như anh Thủy, bạn Trần Tuấn Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, mỗi chiếc xe được sử dụng với tần suất khác nhau, di chuyển trên những cung đường khác nhau dẫn đến chất lượng tốt, kém khác nhau, không thể đưa ra mức quy định niên hạn theo năm cho xe máy được.
Trong khi không ít ý kiến khác lại cho rằng, hiện đa số các xe máy cũ đều được chuyển về khu vực nông thôn, hoặc đối tượng sử dụng đều là những người nghèo. Nên quy định về niên hạn xe máy sẽ ảnh hưởng nhiều đều những đối tượng này. Vì vậy cần cân nhắc kỹ.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đã có những ý kiến phản hồi về giải pháp thu hồi xe máy hết “đát” để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo ông Liên, nếu như quy định trên được ban hành, mỗi chiếc xe máy ở Việt Nam sẽ phải chịu đủ thứ gánh nặng, từ thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí trước bạ... và sắp tới còn có phí khí thải. Đặc biệt, một khi đã ban hành quy định rồi, liệu có làm được không? Có hiệu quả không và lấy ai để làm?
“Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm từ nay đến năm 2020, để hạn chế tai nạn giao thông nên tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu, đừng bày vẽ nhiều để rồi không làm được... Xe máy lại không chính chủ, mua đi bán lại rất nhiều từ tỉnh này sang tỉnh khác, làm thế nào để kiểm định? Chưa kể xe hoán cải, mua xe cũ về tạo thành xe mới... Liệu đăng ký xe máy có hồ sơ sản xuất hay xuất xứ sản xuất không, hay đó lại là xe máy Trung Quốc mang về nước lắp ráp lại rồi bán?”, ông Liên đặt câu hỏi.
Ai cũng muốn được sống trong môi trường an toàn, trong sạch, tuy nhiên, giải pháp thu hồi “triệt để” những chiếc xe máy quá niên hạn dường như đang gây khó cho những người dân nghèo, và khó cho cả cơ quan quản lý để phân định thế nào là một chiếc xe “hết hạn sử dụng” rồi những vấn đề kéo theo đó về quản lý, xử lý hàng triệu chiếc xe sau thu hồi.
Hoài Phi