Trong thập kỷ vừa qua có lẽ chẳng có mấy mẫu xe được nhiều người bàn tán tới vậy về khả năng được "bật đèn xanh" như Toyota 86. Ra mắt tại thị trường Mỹ với tên gọi Scion FR-S từ năm 2012, cái tên Toyota 86 được sử dụng lại khi thương hiệu Scion bị khai tử sau đó.
Là người anh em song sinh cùng Subaru BRZ, "dấu hiệu" đầu tiên mà Toyota đánh tiếng sẽ sản xuất một dòng xe thể thao với giá cả "chấp nhận được" là concept FT-HS ra mắt tại triển lãm Detroit năm 2007. Dù vậy, với việc là một dòng xe hybrid đi kèm hộp số tự động, FT-HS chỉ chứa hình hài bên ngoài của dòng FR-S/BRZ/86 sau này mà thôi. Cũng cần nói thêm là thiết kế concept này được đánh giá khá cao vào thời điểm đó với các đường nét khí động học mạnh mẽ, sexy đi kèm hệ thống trần xe chỉnh điện.
Tất nhiên, mui trần là chi tiết hoàn toàn thừa thãi trên các dòng xe thể thao, do đó Toyota đã loại bỏ trang bị này trên bản hoàn chỉnh. Chất liệu sợi carbon được sử dụng rộng rãi trong chế tạo cả nội lẫn ngoại thất xe cũng không được sử dụng lại nhiều trên 86 về sau, phần lớn vì Toyota nhận ra rằng khách hàng của một mong muốn 1 chiếc coupe thể thao đẹp, mạnh mẽ nhưng giá thành cũng phải phải chăng – tốt nhất là bằng một nửa chiếc Porsche Cayman, thậm chí ít hơn.
2 năm sau đó, tới năm 2009 chiếc FT-86 Concept ra đời. Thay thế cụm từ HS (Hybrid Sport) trên concept trước, FT86 chỉ đích danh dòng AE86 coupe ra mắt vào giai đoạn thập niên 80 của thế kỷ trước với trải nghiệm lái mạnh mẽ và khả năng drift ấn tượng.
Thay thế hệ truyền động hybrid trên FT-86 là động cơ boxer 2.0L – "niềm tự hào" của Subaru. Đối tác Nhật cũng đặt nền tảng cho concept này với khung gầm và hộp số lấy từ Impreza. Thiết kế ngoại thất của xe được tinh chỉnh thực dụng hơn nữa. Với yếu tố thực tiễn tốt, động cơ truyền thống mạnh mẽ, hộp số sàn 6 cấp tiêu chuẩn, Toyota đã đánh trúng tâm lý người dùng.
Nhận biết được điều đó, Toyota quyết tâm "mài dũa" chiếc xe thể thao tối ưu hơn nữa với Subaru đảm nhận vị trí tinh chỉnh động cơ và các chi tiết cơ khí trọng yếu. Tới năm 2011, Concept FT-86 II ra đời và gần như chính là chiếc 86 hoàn chỉnh sau này.
Cuối cùng, chiếc Toyota GT86 ra mắt tại triển lãm Tokyo 2011. Cả 3 dòng xe (2 bản FT-86 cùng GT86) đều được lắp ráp bởi Subaru tại Nhật Bản. Trong tháng đầu tiên sau khi đi vào sản xuất, Toyota nhận được 7.000 đơn đặt hàng cho dòng coupe thể thao của mình, gấp đôi BRZ (3.500).
Tới năm 2017, chiếc Scion FR-S biến mất cùng sự ra đi của thương hiệu cùng tên, thay vào đó là Toyota 86 mới với 1 số cải tiến nhỏ về thiết kế ngoại và nội thất. Dù rằng doanh số gần đây của cả 86 lẫn Subaru BRZ đều đã chậm lại, việc 2 thương hiệu Nhật này tiếp tục đầu tư vào mảng xe thể thao (vốn rất tốn kém cả về công sức lẫn tiền bạc) để chiều lòng các khách hàng đam mê cảm giác lái ấn tượng thực sự cho thấy cái tâm của họ trong việc mang lại những gì tốt đẹp nhất cho người tiêu dùng.
Liệu 86 sẽ có người kế nhiệm hay sẽ bị khai tử để nhường chỗ cho các dòng xe xanh? Chưa ai biết được câu trả lời, tuy nhiên điều ta có thể làm lúc này là tận hưởng những gì mà 86 và Toyota đem lại sau vô lăng.
AutoPro/Carbuzz