Taxi Thành Công triển khai ứng dụng gọi taxi cạnh tranh với Uber và Grab | |
VNS mất thị phần vì Uber và Grab? | |
Nhà khởi nghiệp Grab huy động được 750 triệu USD |
Sức ép cạnh tranh từ Uber và Grab
Chị Hồ Thanh Phương nhà ở khu Mỹ đình, Hà Nội cho biết, hàng ngày chị phải đi từ nhà đến văn phòng tại đường Đào Tấn, bình thường với taxi truyền thống đi quãng đường trên chị phải trả từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng tuỳ từng hãng taxi. Nhưng từ khi có ứng dụng gọi xe qua điện thoại thông minh, cũng với quãng đường trên chị chỉ phải trả khoảng 70.000 đồng, chưa kể có những lúc có chương trình khuyến mại hay nếu đi 2 lượt cũng hãng trong ngày chị lại được khuyến mại, giảm giá. Chị Phương chia sẻ, chị thấy việc gọi xe bằng ứng dụng gọi xe đối với dân văn phòng như chị là hết sức thuận lợi và tiết kiệm.
Còn anh Lương Xuân Hưởng, ngụ tại Thụy Khuê, Hà Nội lại chia sẻ, gia đình anh có con gái đang học lớp 9, hàng tuần cháu phải đi học thêm tại phố Nhà Chung. Với việc sử dụng GrabBike, ngoài việc có thể tiết kiệm được chi phí đi lại, anh còn có thể luôn luôn kiểm soát được lộ trình của con bởi thông tin của lộ trình cũng như của người lái xe đều hiển thị đầy đủ trên điện thoại của anh hoặc chị. Còn việc thanh toán cũng rất thuận lợi bởi anh đã khai thông tin thẻ tín dụng để hãng có thể trừ trực tiếp cước vào tài khoản của anh.
Chưa có bất cứ thống kê nào về sự hài lòng, ủng hộ triển khai việc gọi xe bằng ứng dụng công nghệ, nhưng có lẽ một thực tế không thể phủ nhận được những ưu việt của loại hình vận chuyển hành khách công cộng này là việc ngày càng nhiều đối tượng khách hàng tìm đến với Uber và Grab thay cho taxi truyền thống.
Theo thống kê, Uber, Grab hiện đã phát triển nhanh chóng và đã có trên 7.000 xe hoạt động tại Hà Nội. Còn ở TP.HCM, con số này gấp 3, đã lên tới 21.000 xe và vẫn không ngừng gia tăng
Trái ngược với sự phát triển nhanh chóng của Grab hay Uber, các hãng taxi truyền thống đã mất dần thị phần dẫn đến suy giảm về doanh thu.
Tại Hà Nội hầu hết các hãng taxi truyền thống như: Thành Công, Thủ Đô, Vinasun… thông qua Hiệp hội Taxi Hà Nội đều kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan làm rõ việc Uber, Grab đang kinh doanh ở Việt Nam thực chất là loại hình gì? Thí điểm tại sao không khống chế số lượng xe mà lại cho phát triển nóng trong thời gian ngắn?
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội bức xúc: Uber, Grab là "công ty kinh doanh dịch vụ taxi trá hình", cạnh tranh không lành mạnh bằng chiêu thức siêu giảm giá, chiến lược giá hủy diệt, trợ giá cho khách hàng nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường và không thực hiện đầy đủ trách nhiệm thuế với Nhà nước...
Trong thông điệp gửi các cổ đông mới công bố, ông Hồ Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh, một trong những tập đoàn kinh doanh vận tải uy tín và lớn nhất Việt Nam đã nhắc đến Uber và Grab như một trong số những nguyên nhân chính khiến 2016 trở thành một năm khó khăn của Mai Linh và các hãng taxi truyền thống.
Người đứng đầu Mai Linh cho rằng, hoạt động của Uber và Grab tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt, trong đó sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác, gây thiệt hại lớn cho doanh thu của mình cũng như các hãng taxi truyền thống khác.
Cần quản lý tốt hơn
Trước những kiến nghị của các hãng taxi truyền thống, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp thu các kiến nghị để làm rõ loại hình vận tải của Uber, Grab là cung cấp dịch vụ hay làm vận tải, hoặc thực hiện cả hai chức năng này. Còn trong văn bản thực hiện thí điểm đang quy định Uber, Grab là loại hình xe hợp đồng điện tử. Bộ Giao thông vận tải sẽ xây dựng các chế tài quản lý, xử lý Uber, Grab để trình Chính phủ. Trong đó làm rõ các vấn đề thuế, chính sách giảm giá, khuyến mãi cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng khẳng định, “Có thể nói Uber và Grab là loại hình vận tải công cộng, mô hình này trong tương lai sẽ vẫn tồn tại. Cuối năm 2017 sẽ kết thúc thí điểm, tổng kết thực hiện xe hợp đồng điện tử sau 2 năm triển khai để đưa ra giải pháp quản lý tốt hơn. Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ sớm họp với đại diện Uber, Grab, lãnh đạo các thành phố thực hiện thí điểm, các Bộ Công Thương, Tư pháp để làm rõ hơn mô hình hoạt động của taxi công nghệ”.
Tuy nhiên, đứng về mặt quản lý dịch vụ vận chuyển hành khách, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Hà Huy Quang cũng thừa nhận: Bất cập hiện nay là số lượng xe hợp đồng điện tử Uber, Grab tăng quá nhanh so với quy hoạch taxi. Do vậy, cần phải có những biện pháp quản lý phù hợp, ví dụ quy định đăng ký logo như taxi truyền thống để quản lý.
Rõ ràng mô hình thí điểm ứng dụng gọi xe bằng công nghệ của Uber và Grab là một mô hình vận tải công cộng tiên tiến, tiết kiệm, tiện lợi và đáp ứng được nhu cầu đi lại của đông đảo hành khách. Tuy nhiên, với những quan điểm của các nhà quản lý như trên thì cần có chính sách vừa thông thoáng nhưng đồng thời cùng phải hài hoà quyền lợi để các doanh nghiệp taxi truyền thống yên tâm hoạt động kinh doanh bởi đầu tư taxi là đầu tư chiều sâu, thời gian thu hồi vốn dài. Có như vậy mới tạo được sự cạnh tranh bình đẳng, từ đó đem lại nhiều giá trị hơn cho xã hội.
Hoài Phi