Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng/tháng từ 1/7/2017 | |
Dệt may ứng phó ra sao khi TPP không có Mỹ? |
Ảnh minh họa |
Trong đó, mức lương của một ngành thâm dụng lao động cao như dệt may, da giày, chế biến thủy sản... hiện tại đang dần được cải thiện, thậm chí đã vượt qua ngưỡng trung bình.
Theo Báo cáo lương năm 2016 của JobStreet.com Việt Nam, mức lương trung bình ngành dệt may của nước ta đang cao hơn mặt bằng chung. Cụ thể, một lao động ngành dệt may trung bình kiếm được từ 402 - 604 USD/tháng (từ 8,4 triệu đồng đến 12,6 triệu đồng). Con số này chỉ bằng gần 1/2 so với Malaysia (725-1019 USD/tháng) và bằng 1/4 so với mức lương trung bình ngành dệt may tại Singapore.
Tuy nhiên, khi so sánh với Philippines sự chênh lệch là tương đối nhỏ khi mức lương trung bình ngành dệt may tại Philippines chỉ hơn 1,1 lần Việt Nam. Mức lương trung bình tại Việt Nam thậm chí còn cao hơn cả Indonesia gần 1,2 lần (343-510 USD/tháng). Cũng theo báo cáo lương này, mức lương trung bình ngành dệt may năm 2016 đã tăng 12% so với năm 2015.
Ngoài ra, một điểm đáng mừng khác về mức lương của ngành dệt may khi Việt Nam vừa được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố là quốc gia có tỷ lệ vi phạm quy định về lương tối thiểu thấp nhất trong số 7 quốc gia xuất khẩu may mặc tại châu Á.
Trong đó, theo báo cáo mới nhất của ILO, cứ 100 lao động trong ngành dệt may thì tại Việt Nam chỉ có 6,6 người bị trả dưới mức lương tối thiểu. Trong đó, Philippines là nước đứng đầu với tỷ lệ người lao động nhận lương thấp hơn mức tối thiểu (53,3%).
Tỷ lệ vi phạm ở mức độ nghiêm trọng (dưới 80% mức lương tối thiểu) ở Philippines cũng rất cao, lên đến 38,8%. Cambodia và Indonesia cũng nằm trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ người sử dụng lao động vi phạm việc trả lương dưới mức tối thiểu cao, khi khoảng 1/4 người lao động nhận dưới mức này.
Trái ngược với sự vui mừng của người lao động, chủ của không ít DN dệt may trong nước lại đối mặt với nhiều lo lắng về chi trả lương, bảo hiểm, trong khi đơn hàng lại kém phần dồi dào.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến cho biết, trong năm nay đơn hàng của công ty không nhiều, chỉ vừa đủ duy trì hoạt động, và áp lực tiền lương công nhân ngày một tăng. Ngoài việc tìm kiếm đơn hàng mới, dự kiến trong năm 2017 DN sẽ chuyển hướng sang làm hàng gia công trực tiếp cho một số đối tác lớn của châu Âu để mong tìm kiếm mức chênh lệch cao hơn, bù đắp vào chi phí.
Tương tự, nhiều DN dệt may tại KCX Tân Thuận, Quận 7 (TP.HCM) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, lo ngại việc không đạt chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận đã hiện hữu rõ nét khi vào dịp cuối năm, áp lực chi trả lương thưởng ngày càng tới gần. Hơn nữa, đây cũng là dịp đón đầu cho những đơn hàng năm tới, nhưng phần lớn các DN cho biết tình hình không mấy sáng sủa, nhất là đối với các DN không có nhiều mối hàng quen thuộc “lận lưng”.
Bàn về vấn đề này, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP. HCM cho rằng, việc mức lương ngành dệt may ngày một tăng trong thời gian qua cho thấy các DN đang bắt đầu quan tâm hơn đến việc sử dụng thu nhập như một yếu tố thu hút và giữ chân người lao động.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra không ít thách thức cho người lao động trong việc khẳng định và chứng tỏ bản thân trong thời điểm trình độ cần được cải thiện mỗi ngày. Song, điều đáng lo ngại hơn theo ông Kiệt, là ở chỗ do lợi thế giá nhân công rẻ tại Việt Nam mất đi, cũng đồng nghĩa với nhiều đơn hàng đã chuyển hướng sang một số nước khác như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc...
Bên cạnh đó, những yếu tố bất lợi của dệt may Việt Nam như phụ thuộc 70 - 80% vào nguyên liệu nhập khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng thấp... cũng khiến cho ngành này mất dần lợi thế.
Tuyết Thanh