Vai trò của BHTG trong tái cơ cấu TCTD

10:45 | 08/11/2017

Điều kiện để thực hiện tái cơ cấu các TCTD nhanh chóng và hiệu quả là cần đảm bảo hệ thống BHTG có đủ năng lực tài chính để tham gia vào quá trình này hoặc cần có khả năng tăng vốn một cách nhanh chóng và hiệu quả. 

Cần cơ chế đặc thù cho trường hợp đặc biệt
Vì sao cần bảo hiểm tiền gửi vượt mức?
vai tro cua bhtg trong tai co cau tctd
Ảnh minh họa

Tái cơ cấu TCTD là việc thực hiện một loạt các giải pháp về thể chế, tài chính và pháp lý nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của những TCTD yếu kém, những TCTD có vấn đề, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCTD này, hoặc tiến hành xử lý pháp nhân đối với những TCTD không có khả năng phục hồi, làm cho hoạt động của hệ thống TCTD an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Tại đa số các nước trên thế giới, để khôi phục niềm tin vào hệ thống TCTD nói chung và khuyến khích các nguồn vốn trong nước và nước ngoài đầu tư vào các TCTD lành mạnh, Chính phủ các nước phải thực hiện một cách nhanh chóng và triệt để việc tái cơ cấu các TCTD yếu kém.

Trong đó, tổ chức BHTG đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia tái cơ cấu các TCTD này. Điều kiện để thực hiện tái cơ cấu các TCTD nhanh chóng và hiệu quả là cần đảm bảo hệ thống BHTG có đủ năng lực tài chính để tham gia vào quá trình này hoặc cần có khả năng tăng vốn một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các hệ thống BHTG thiếu vốn và khả năng tái cơ cấu TCTD yếu kém của họ rất hạn chế, chỉ xử lý được rất ít TCTD yếu kém.

Do đó, trước khi bắt tay vào tái cơ cấu các TCTD yếu kém, Chính phủ cần xem xét lại cơ sở pháp lý hiện hành điều chỉnh hoạt động của hệ thống BHTG hoặc cơ chế hỗ trợ tài chính khác đối với tiền gửi ngân hàng để đánh giá nhu cầu trong trường hợp cần thêm nguồn tài chính và sự can thiệp của Chính phủ. Những hệ thống BHTG được tài trợ bởi Chính phủ có thể cần một sự phân bổ đặc biệt cho quỹ hoặc khả năng vay mượn trên thị trường với sự bảo đảm của Chính phủ. Các hệ thống bảo hiểm khác mà quỹ của họ phụ thuộc vào nguồn phí thu được hoặc các yếu tố khác để vay vốn cũng có thể cần một số hình thức hỗ trợ của Chính phủ.

Khuôn khổ pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong thành công của quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém. Trước hết, các văn bản pháp lý phải đầy đủ, chi tiết, đồng bộ và có tính thực thi cao. Tại nhiều quốc gia, Chính phủ sẽ xây dựng một mạng an toàn tài chính quốc gia, trong đó các cơ quan sẽ cùng phối hợp trong việc tái cơ cấu TCTD cũng như bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng. Chức năng, quyền hạn của các thành viên được quy định rõ trong các luật liên quan nhằm bảo đảm các thành viên phải phối hợp chặt chẽ với nhau để tránh chồng chéo trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Theo thông lệ quốc tế, để thực hiện các mục đích tái cơ cấu TCTD yếu kém, tùy vào mô hình hoạt động và quyền hạn được quy định, tổ chức BHTG có thể sử dụng một số biện pháp như: Hỗ trợ tài chính, mua lại và tiếp nhận nợ, sử dụng ngân hàng bắc cầu, sáp nhập và mua bán, chi trả bảo hiểm.

Và tổ chức BHTG chỉ thật sự phát huy hiệu quả trong việc tái cơ cấu và giữ ổn định hệ thống TCTD khi được trao quyền can thiệp đối với các tổ chức tham gia BHTG và có một cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giám sát ngân hàng khác.

Điều này được thể hiện ở việc bảo đảm tổ chức BHTG có đủ quyền hạn và năng lực tài chính để can thiệp kịp thời trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ; có cơ chế cảnh báo và xử lý sớm cho việc giám sát toàn diện các khía cạnh rủi ro, không chỉ dựa vào chỉ tiêu về vốn; xác định rõ ràng trách nhiệm trong việc xử lý khủng hoảng giữa ngân hàng trung ương, cơ quan giám sát, Chính phủ và tổ chức BHTG.

Ngoài ra, để tái cơ cấu hệ thống TCTD hiệu quả, cần xây dựng một khung tổng thể bao gồm đầy đủ các trường hợp có thể xảy ra và các biện pháp ứng phó cần thiết nhằm bảo đảm duy trì hoạt động dịch vụ tài chính và thanh toán thiết yếu đối với hệ thống, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.

Việc lựa chọn biện pháp cụ thể sẽ do tổ chức BHTG đề xuất trên cơ sở cân nhắc các nguyên tắc cơ bản, mà nguyên tắc được ưu tiên hàng đầu là nguyên tắc chi phí tối thiểu. Trong trường hợp áp dụng các biện pháp, cần xây dựng các điều khoản trong luật và các văn bản liên quan về hướng dẫn cụ thể quá trình quản lý và thanh lý tài sản để có thể tối đa giá trị thu hồi, cơ chế đấu thầu công khai, hình thức mua bán, các trường hợp đặc biệt khi không tìm được đơn vị tiếp nhận…

Tại Việt Nam, quá trình tái cơ cấu TCTD đã bước sang giai đoạn 2 với mục tiêu trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định và an toàn hệ thống; giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản.

Trong đó có quy định cho phép BHTG Việt Nam được tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, trước mắt tập trung đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, cũng như bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân gửi tiền. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra cũng tạo cơ sở pháp lý bằng những quy định cụ thể để BHTG Việt Nam tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Điều này cho thấy, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, các cơ quan chức năng ở Việt Nam ngày càng chú trọng phát huy vai trò của tổ chức BHTG trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần ổn định hệ thống tài chính quốc gia.

Lê Minh

Tin đọc nhiều