Vì an toàn và bảo vệ người gửi tiền

09:20 | 08/05/2017

Dự thảo lần 1 Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu đang được NHNN lấy ý kiến góp ý và nhận được sự quan tâm của các chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng như của công chúng nói chung.

vi an toan va bao ve nguoi gui tien
Ảnh minh họa

Xử lý, phục hồi các TCTD yếu kém

Nội dung trọng tâm của Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu là quy định các biện pháp xử lý TCTD yếu kém. Quá trình này được thực hiện thông qua 9 bước:

Bước 1: Phát hiện TCTD yếu kém và xem xét đặt TCTD này vào kiểm soát đặc biệt

Bước 2: Đặt TCTD yếu kém vào tình trạng kiểm soát đặc biệt

Bước 3: Ban Kiểm soát đặc biệt (BKSĐB) chỉ đạo TCTD thuê hoặc trực tiếp thuê tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tổng thể của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Bước 4: NHNN (hoặc cấp có thẩm quyền...) lựa chọn phương án xử lý TCTD yếu kém (củng cố, phục hồi hoặc xử lý pháp nhân).

Bước 5A: BKSĐB chỉ đạo các TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố phục hồi (bao gồm cả phương án tăng vốn, thời hạn thực hiện phương án tăng vốn nếu có).

Bước 5B: BKSĐB chỉ đạo các TCTD được đặt vào kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án xử lý pháp nhân theo các biện pháp tự nguyện (sáp nhập, hợp nhất, bán, giải thể).

Trường hợp không xây dựng, thông qua được phương án trong thời hạn quy định thì thực hiện theo bước 8.

Bước 6: NHNN thông qua phương án 5A (5B) theo đề nghị của BKSĐB.

Bước 7A: Thực hiện phương án 5A.

Hết thời hạn (bao gồm thời gian gia hạn nếu có) thực hiện phương án 5A mà không phục hồi được thì NHNN có quyết định chấm dứt thực hiện phương án củng cố, phục hồi 5A và yêu cầu TCTD xây dựng phương án xử lý pháp nhân 5B (Việc xây dựng và thông qua Phương án 5B thực hiện theo Bước 5 quy trình này) hoặc chuyển sang thực hiện bước 8.

Bước 7B: Thực hiện phương án 5B. Hết thời hạn không thực hiện được chuyển sang bước 8.

Bước 8: NHNN trình cấp có thẩm quyền quyết định việc NHNN trực tiếp mua bắt buộc hoặc phá sản đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau: (i) TCTD không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn theo phương án 5A; (ii) Không thực hiện được 5A, 5B trong thời hạn quy định; (iii) Việc mua lại chỉ thực hiện với điều kiện: ảnh hưởng an toàn hệ thống; đánh giá có khả năng phục hồi khi được áp dụng các biện pháp hỗ trợ của NHNN.

Bước 9A: Thực hiện phương án mua bắt buộc, bao gồm các quy định về: Hình thức mua; Nguồn tài chính để mua; Phương thức, quy trình mua; Giá mua; Các biện pháp quản lý, xử lý, hỗ trợ phục hồi TCTD trong giai đoạn NHNN mua TCTD; Phương thức xử lý sau khi phục hồi (thoái vốn, chuyển nhượng, bán...).

Bước 9B: Thực hiện phương án phá sản.

Dự thảo cũng luật hóa hai biện pháp xử lý ngân hàng yếu kém đã được sử dụng trong thời gian qua. Đó là việc mua lại bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại nhằm tránh ảnh hưởng an toàn hoạt động của hệ thống; khi tổ chức đó có giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng, hoặc có TCTD đề xuất mua TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Khi không có TCTD đề xuất mua, thì NHNN sẽ mua bắt buộc TCTD yếu kém thuộc diện bị mua lại bắt buộc (sau khi không khắc phục được tình trạng âm vốn điều lệ). Đồng thời, sau khi NHNN thực hiện mua lại bắt buộc, một TCTD đủ điều kiện sẽ được chỉ định đóng vai trò TCTD hỗ trợ, tham gia quản trị, điều hành, triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động của TCTD bị mua lại. Đồng thời, TCTD hỗ trợ cũng được hưởng một số chính sách ưu đãi.

Dự thảo quy định chi tiết các nội dung phục hồi hoạt động sau khi mua bắt buộc. Đáng chú ý, theo nội dung dự thảo luật trên, nhiều biện pháp hỗ trợ TCTD yếu kém được mua bắt buộc được đưa ra, trong đó liên quan đến việc cấp vốn, tái cấp vốn và chính sách cho vay hỗ trợ nguồn với lãi suất 0% từ NHNN.

Như vậy, TCTD yếu kém sẽ được xử lý thông qua nhiều nguồn lực, bằng nhiều biện pháp khác nhau và phá sản chỉ là biện pháp cuối cùng. Tuy nhiên, việc cho phá sản TCTD cũng phải đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Khuôn khổ pháp lý để giải quyết tận gốc nợ xấu

Một trong những khúc mắc lớn nhất trong quá trình tái cơ cấu chính là vấn đề nguồn lực. Nếu không có một giải pháp phù hợp nhằm giải phóng nguồn tài sản đảm bảo thì câu chuyện xử lý nợ xấu và tái cơ cấu vẫn chỉ là “con gà, quả trứng”.

Dự thảo đưa ra bốn biện pháp chính, trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ xử lý nợ xấu và nguồn vốn mà TCTD yếu kém được áp dụng một hoặc một số biện pháp: được bán nợ xấu không đủ điều kiện hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên theo quy định pháp luật cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC); được miễn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt; được hạch toán dần vào chi phí đối với phần chênh lệch giữa giá bán nợ/khoản phải thu/khoản đầu tư góp vốn với giá trị ghi sổ của các khoản trên phù hợp với tình hình tài chính của TCTD yếu kém theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá 10 năm; được vay đặc biệt với lãi suất 0% theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Nhằm tháo nút thắt pháp lý trong việc xử lý tài sản đảm bảo, Dự thảo Luật quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm đã đăng ký giao dịch bảo đảm. VAMC cũng được trao thẩm quyền lớn hơn để nhanh chóng xử lý tài sản đảm bảo là BĐS. Qua đó, “cục máu đông” của nền kinh tế sẽ được giải tỏa, đảm bảo nguồn lực tài chính lưu thông và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Củng cố niềm tin, bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền

Là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được trao thêm một số chức năng, vai trò mới.

Theo Dự thảo, BHTGVN sẽ trực tiếp phối hợp với BKSĐB được thành lập theo chỉ đạo của NHNN đánh giá phương án phục hồi của TCTD yếu kém.

Bên cạnh việc tham gia đánh giá Phương án phục hồi của TCTD yếu kém, BHTGVN còn đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ tài chính cho TCTD yếu kém là QTDND, tổ chức tài chính vi mô. Theo đó, QTDND, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt của BHTGVN với mức lãi suất 0% theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt.

Đối với TCTD yếu kém được chỉ định xử lý pháp nhân dưới hình thức phá sản, theo Dự thảo, Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt theo đề nghị của NHNN để chi trả số tiền gửi cá nhân còn lại sau khi đã được BHTGVN chi trả cũng như quy định cơ chế xử lý đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được từ ngân sách nhà nước.

Dự thảo cũng loại trừ các đối tượng khi chi trả tiền gửi cá nhân bao gồm: Người quản lý, người điều hành; cổ đông lớn, cổ đông sáng lập; thành viên góp vốn (trừ thành viên góp vốn của QTDND) và người có liên quan của những đối tượng này. Điều khoản này được cho là nhằm góp phần đảm bảo kỷ luật thị trường và ngăn ngừa rủi ro đạo đức.

Tại Thông báo số 18/TB-VPCP ngày 17/01/2017 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Đề án tái cơ cấu, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của NHNN về việc xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu; đồng thời giao Bộ Tư pháp khẩn trương đăng ký nội dung Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Ngày 5/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng Thẩm định về Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu.

Hiện NHNN đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu để trình Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

Đây sẽ là một động lực thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian tới.

Diệu Mỹ

Tin đọc nhiều